News Quy trình khai báo Hải quan điện tử

Quy trình khai báo Hải quan điện tử

    Sự phát triển của công nghiệp 4.0, yêu cầu cấp bách cho nhiều lĩnh vực trở phải phát triển hơn, khi mọi thứ được cải thiện và nâng cao, thì hệ thống khai báo Hải Quan của Tổng Cục Hải Quan cũng đồng loạt phải đổi mới để phù hợp với thời đại công nghệ phát triển hiện tại. 

    Theo khoản 1, Điều 3, Nghị định 87/2012/NĐ-CP: “Thủ tục khai hải quan điện tử là thủ tục hải quan trong đó việc khai, tiếp nhận, xử lý thông tin khai hải quan, trao đổi các thông tin khác theo quy định của pháp luật về thủ tục hải quan giữa các bên có liên quan thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.”

    Tất cả hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (kể cả có thuế và không có thuế) đều phải khai báo, làm thủ tục hải quan. Việc kê khai phải đảm bảo đầy đủ, chi tiết về đặc điểm, số lượng, trọng lượng, trị giá, quy cách, phẩm chất và mã số của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Người xuất khẩu nhập khẩu phải nộp tờ khai hải quan theo mẫu do Tổng cục hải quan ban hành.

    Hồ sơ hải quan nộp khi làm thủ tục hải quan điện tử sẽ chỉ bao gồm tối thiểu các chứng từ cung cấp thông tin cần thiết cho quản lý hải quan chứ không phải tất cả các chứng từ có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

    Sau khi tờ khai đã được khai báo phân luồng trên hệ thống Hải quan điện tử, hồ sơ Hải quan điện tử yêu cầu chứng từ tối thiểu:

    Hàng xuất:

    • Hóa đơn thương mại

    Hàng nhập:

    • Hóa đơn thương mại
    • Vận đơn

    Ngoài ra, tùy theo loại hàng hóa và quy định Pháp Luật Hải Quan, bộ hồ sơ còn có các chứng từ yêu cầu bổ sung:

    • Phiếu đóng gói (Packing List)
    • Hợp đồng ngoại thương ( Sale Contract )
    • Công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy
    • Khai báo hóa chất
    • Đăng kiểm xe máy chuyên dùng
    • Kiểm dịch thực vật
    • Hun trùng
    • Giấy chứng nhận xuất xứ : các mẫu CO form E, form D…
    • Giấy chứng nhận phân tích (Certificate of Analysis – CA)
    • Giấy chứng nhận chất lượng (Certificate of Quality – CQ)
    • Giấy chứng thư kiểm dịch thực vật (Phytosanitary), động vật (Veterinary Certificate), chứng nhận sức khỏe (Health Certificate), hun trùng (Fumigation Certificate)
    • Giấy bảo hiểm hàng hóa (Insurance Policy), nếu người bán chịu trách nhiệm mua bảo hiểm hàng hóa XNK

    Lưu ý: Hồ sơ hải quan sẽ được người khai hải quan nộp dưới dạng điện tử (bản scan có gắn chữ ký số) ngay khi thực hiện đăng ký tờ khai hải quan. Nếu cần bổ sung chứng từ gốc để Hải quan kiểm tra và đối chiếu thì sẽ phản hồi với Doanh nghiệp trên hệ thống Hải Quan điện tử.

    Sơ đồ quy trình thủ tục hải quan điện tử 

    Bước 1: Khai báo Hải quan Điện tử và nhận kết quả phần luồng hàng hóa

    –          Mức 1, luồng xanh: Miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.

    –          Mức 2, luồng vàng: Kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.

    –          Mức 3, luồng đỏ: Kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa. 

    Bước 2: Thông qua hệ thống tiếp nhận dữ liệu chứng từ và quá trình duyệt thông quan hàng hóa

    –          Trường hợp với  hàng hoá được phân luồng xanh, cơ quan hải quan chấp nhận cho hàng thực thông quan khi thuế của lô hàng đã được nộp hoặc hàng hóa chưa nộp, nộp chưa đủ số tiền thuế phải nộp trong thời hạn quy định mà được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp thì được  chấp nhận thông quan. 

    –          Trường hợp với hàng hóa được phân luồng vàng, Cơ quan Hải Quan kiểm tra chi tiết chứng từ nếu được yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ hải quan thì doanh nghiệp thực hiện theo yêu cầu được Hải Quan phản hồi trả thông tin trên hệ thống. Nếu lô hàng được chấp nhận thông quan thì doanh nghiệp tiến hành thực hiện đóng thuế (nếu có) và làm thủ tục lấy hàng, nếu cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra thực tế hàng hóa thì doanh nghiệp phải xuất trình hồ sơ giấy và hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra.

    –           Trường hợp với hàng hóa phân luồng đỏ, Doanh nghiệp xuất trình hồ sơ giấy và hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra. Cơ quan hải quan kiểm tra chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi thông quan.

    Bước 3: Xác nhận thực xuất, thực nhập

    Doanh nghiệp in tờ khai mã vạch hiển thị tờ khai đã thông quan trên hệ thống Ecus hoặc trên website https://pus.customs.gov.vn/ để làm thủ tục thanh lý và Hải quan giám sát tại nơi hàng hóa tập kết.

    Bước 4: Kiểm tra sau thông quan

    Kiểm tra sau thông quan là một thủ tục cũng rất quan trọng, nhằm mục đích thẩm định việc tuân thủ pháp luật hải quan của người khai hải quan. Các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp, xuất trình các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hoá xuất nhập khẩu mà cơ quan hải quan yêu cầu.

    Sau khi kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm về chính sách mặt hàng, xuất xứ hàng hoá thì doanh nghiệp phải cung cấp chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan và các chứng từ khác có liên quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

    So với thủ tục hải quan thủ công, việc triển khai thủ tục hải quan điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp như: giảm thiểu số lượng giấy tờ phải nộp hoặc xuất trình; thời gian thông quan hàng hóa trung bình được rút ngắn, giảm chi phí không cần thiết cho việc đi lại, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và người khai hải quan từ hạn chế sự gây phiền hà, sách nhiễu; giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa theo chủ quan của công chức hải quan; lệ phí hải quan được nộp thu, nộp định kỳ hàng tháng và những quy định về thủ tục hải quan được minh bạch hóa.

    Trên đây là những chia sẽ kinh nghiệm của tôi, còn của bạn thì sao, đừng ngần ngại chia sẽ tri thức nhé! Cảm ơn bạn đã quan tâm.

    191